Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Leave a Comment

Có Đầy Một Giấc Mơ Hoa

Từ tháng 8/2006, đã có 500 cửa hàng tiện lợi và 70 trung tâm thương mại mang thương hiệu G7 Mart đi vào hoạt động trên toàn quốc. Theo dự kiến của các nhà sáng lập hệ thống, đến năm 2010, G7 Mart sẽ tiếp quản số cửa hàng lên đến 10.000, 18 kho bán sỉ và 7 trung tâm thương mại.

Ở giai đoạn cuối, các trung tâm thương mại Việt Nam sẽ được xây dựng tại nước ngoài với tên gọi là Viettown để đưa hàng hoá, văn hoá... Việt Nam ra thế giới! Nhưng đến nay hệ thống này đã phát triển ra sao?
G7 Mart được hình thành trên cơ sở tập hợp các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ bằng cách trang bị, nâng cấp thay đổi phương thức quản lý, cung cách phục vụ để hướng các cửa hàng bán lẻ truyền thống này thành chuỗi cửa hàng kinh doanh tiện lợi theo mô hình phân phối hiện đại.

G7 Mart nỗ lực hợp sức với nhà sản xuất nhằm thống nhất giá bán tại tất cả các cửa hàng G7 Mart trên cả nước và xây dựng các khu trung tâm thương mại Việt Nam tại nước ngoài mang tên "Viettown" để đem sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới.

Các nhà sáng lập G7 Mart mong muốn cùng lúc đem lại lợi ích cho khách hàng, chủ cửa hàng và nhà sản xuất. Cụ thể là đối với khách hàng sẽ có cơ hội mua được hàng hoá đúng giá và với giá cả cạnh tranh hơn so với chợ và siêu thị. Hơn nữa, hệ thống cửa hàng G7 Mart có quy mô nhỏ nhưng phân bố rộng rãi, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy một cửa hàng G7 Mart ngay gần nơi mình sống.

Đồng thời được hưởng những dịch vụ tiện ích và hiện đại từ cửa hàng nhờ việc sắp xếp các kệ hàng rất khoa học và hợp lý, cộng với cảm giác thoải mái do môi trường thoáng mát và sạch sẽ. Đối với các chủ cửa hàng sẽ có điều kiện nâng cấp cửa hiệu của mình, thu hút thêm khách mua hàng, có lợi nhuận cao hơn nhờ nhận hàng trực tiếp với giá rẻ hơn từ nhà sản xuất.

Nhà sản xuất sẽ có cơ hội gia tăng lượng hàng hóa của mình cùng với sự lớn mạnh về số lượng của các cửa hàng G7 Mart trên cả nước và ở nước ngoài.
Họ đã làm như thế!

Trong việc phát triển hệ thống, G7 Mart có một hệ thống các qui trình chuyển giao rất đầy đủ và hiệu quả, các trung tâm đào tạo được thiết kế phù hợp với đặc điểm từng vùng miền để sẵn sàng cho sự chHJQuyển giao nhanh chóng của hệ thống này Có thể thấy rõ là G7 Mart đã lĩnh hội được những ưu điểm của các hệ thống nhượng quyền bán lẻ thành công trên thế giới trước đây, cụ thể là 7–Eleven.

Đây là những điều kiện cần thiết để một hệ thống nhượng quyền phát triển. Bằng chứng là trong một thời gian ngắn, hệ thống này đạt được một kết quả rất ấn tượng và đã để lại một tiếng vang, một cái nhìn mới về hệ thống phân phối tiện lợi hiện đại ở Việt Nam. Mặc dù không xa lạ gì trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì đây vẫn là một hiện tượng mới.

Tuy nhiên, ông Đào Xuân Khương – Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Mê Linh Plaza có nhận xét: "Về các mặt như địa điểm, kinh nghiệm quản lý, nguồn hàng, con người... G7 Mart đều yếu. G7 Mart đã không cam kết được một năm doanh số là bao nhiêu trong khi những hãng khác họ làm được cho nên các nhà cung cấp đã không sẵn lòng xuất hàng cho G7 Mart.

Ông Đào Xuân Khương - Tiến Sĩ Bán Lẻ - Tư Vấn Bán Lẻ
Ông Đào Xuân Khương
G7 Mart là một ý tưởng rất hay nhưng cũng như những hệ thống khác có thể họ chưa ra đúng lúc". Điều này cho thấy, dường như hệ thống này chưa thật sự chuẩn bị đầy đủ các sâu để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của mình ngày càng phát triển hơn nữa.
... và họ đã thiếu "trung dung"?

Hơn thế nữa, theo quan sát cũng như trải nghiệm từ các hệ thống nhượng quyền phân phối bán lẻ tương tự, chẳng hạn như hệ thống 7–Eleven, quan điểm "trung dung" đã không được triệt để áp dụng tại G7 Mart.
Bởi thực tế G7 Mart được hình thành bằng cách tách một phần từ Công ty cà phê Trung Nguyên. Do vậy, một trong những trọng trách là gánh việc phân phối cho các nhãn hàng cà phê, trà mà Trung Nguyên hiện đang sản xuất.

Hơn nữa, bản thân hệ thống này vẫn đang tải sản phẩm cà phê hoà tan 3 trong 1 mang thương hiệu G7. Điều này tạo ra sự mất cân bằng trong hệ thống các nhà cung cấp của mình. Nếu bạn đang là nhà sản xuất Vinacafe, bạn có sẵn sàng tham gia hệ thống này không? Dù muốn hay không hệ thống này sẽ ưu tiên cho các sản phẩm "nhà" của mình.

Tương tự như vậy, đối với hệ thống nhượng quyền, các nhà nhận quyền tham gia hệ thống G7 Mart sẽ cảm thấy không được đối xử công bằng khi một số nhà phân phối Trung Nguyên trước đó cũng nhận được những quyền lợi khác biệt so với họ...

Như vậy, bản thân triết lý của G7 Mart sẽ gặp phải sự phản ứng của cả nhà sản xuất và cả nhà phân phối. Điều này rõ ràng làm cho G7 Mart gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các nhà sản xuất hay thậm chí là nhà nhận quyền tham gia hệ thống của mình.

Từ việc không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "trung dung" của hệ thống phân phối, cũng như không cam kết được doanh số từ các nhà sản xuất nên G7 Mart đã không đánh tan được mối hoài nghi về tính công bằng của hệ thống nhượng quyền.

Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất trước đó tại Việt Nam và nước ngoài cũng đã thiết lập các hệ thống phân phối rất hiệu quả theo yêu cầu phát triển của công ty chẳng hạn Vinamilk, Nestle, 3A, Vinacafe... Trừ một vài hệ thống có đặc thù riêng, hầu như những hệ thống phân phối trên cùng chia sẻ chung hệ thống các cửa hàng bán lẻ.

Đây lại là mục tiêu mà G7 Mart muốn thay thế để chuyển thành hệ thống nhượng quyền của mình. Liệu chừng những nhà sản xuất này có chấp nhận san sẻ bớt sức mạnh từ hệ thống của mình bằng cách tham gia vào hệ thống mới G7 Mart khi mà tương lai có thể "trói chân, trói tay" họ không?

Có thể còn đó một số lượng những nhà sản xuất nhỏ lẻ, chưa có tiếng tăm trên thị trường hoặc những thương hiệu nước ngoài khi thâm nhập thị trường Việt Nam sẽ chấp nhận tham gia hệ thống này.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ trong nước, hệ thống nhượng quyền mới sẽ giải quyết ra sao với bài toán chất lượng? Đối với các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, liệu chừng họ cam kết theo hệ thống hay không? Câu hỏi này thực sự chưa thể trả lời. Nhưng giả sử như họ có cam kết tuân thủ hệ thống thì G7 Mart vô hình chung là hệ thống của các sản phẩm nước ngoài.

Điều này liệu chừng có phù hợp với triết lý mà các nhà sáng lập đưa ra không? Dẫu rằng với triết lý là tập hợp nguồn lực của Việt Nam vì mục tiêu chung, nhưng bản thân sâu xa hệ thống này hàm chứa những mối hoài nghi về mục tiêu chung đó của tất cả các thành phần tham gia hệ thống.

Vì suy cho cùng, nếu tham gia vào hệ thống này họ sẽ chấp nhận cuộc chơi do G7 Mart điều khiển nhưng sự cân bằng quyền lực trong phân phối và lợi nhuận không được phân chia một cách công bằng. Đương nhiên, sẽ có nhiều nhà sản xuất lớn với các hệ thống bán hàng hiệu quả có sẵn sẽ rất cân nhắc khi tham gia hệ thống mới.

Từ đó, hệ thống G7 Mart sẽ đối diện với việc thiếu lượng hàng cung cấp cho hệ thống và chủng loại cũng sẽ không phong phú như cam kết ban đầu. Hệ lụy là các nhà nhận quyền khi tham gia hệ thống này sẽ bằng cách này hay cách khác sẽ nhập các nguồn hàng khác không rõ nguồn gốc hay là các nguồn hàng từ các nhà cung cấp quen thuộc trước đây của mình để bán trong hệ thống mới.

Áp lực cam kết chất lượng, kiểm soát tính thống nhất hệ thống nhượng quyền từ G7 Mart có nguy cơ bị đe dọa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Google+